Gây quỹ
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì quỹ từ thiện (gọi tắt là quỹ) là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
“Gây quỹ” là gì? Bạn đã hiểu đúng về thuật ngữ này?
Gây quỹ là một hoạt động quan trọng đối với bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hoạt động này giúp huy động tài chính hoặc những sản phẩm phi tài chính để hỗ trợ cho mục tiêu và sứ mệnh của tổ chức hoặc doanh nghiệp đó. Đầu tư thời gian và nỗ lực vào việc gây quỹ có thể mang lại những kết quả ấn tượng nếu bạn thực hiện đúng cách. Một chiến dịch gây quỹ hiệu quả không chỉ giúp bạn thu thập đủ tài chính và nguồn lực mà còn tạo ra sự tương tác tích cực từ cộng đồng ủng hộ của bạn.
Chính xác “Gây quỹ” là gì?
Gây quỹ có thể hiểu là quá trình kêu gọi ủng hộ tài chính hoặc vật phẩm tài trợ từ một người, một nhóm người hoặc tổ chức và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho mục tiêu cụ thể. Mục tiêu của việc gây quỹ có thể là rất đa dạng, bao gồm hỗ trợ cho một dự án nghệ thuật, từ thiện, giáo dục, y tế, môi trường hoặc bất kỳ những mục tiêu có giá trị nào mà tổ chức và doanh nghiệp muốn đạt được.
Vậy, Gây quỹ có thể được định nghĩa đơn giản là công việc tìm kiếm nguồn lực để thực hiện một dự án hoặc chương trình nào đó mà bạn đang ấp ủ.
Có phải “Gây quỹ” là huy động tài chính?
Câu trả lời là “Đúng nhưng chưa đủ”. Gây quỹ không chỉ dừng ở tài chính như tiền, mà còn là những ủng hộ phi tài chính như sản phẩm, vật phẩm, mạng lưới, các dịch vụ miễn phí, thời gian và chuyên môn từ tình nguyện viên đóng góp cho dự án.
Vậy “Gây quỹ” đóng vai trò quan trọng thế nào?
Bất kỳ tổ chức và doanh nghiệp nào, dù là mô hình lợi nhuận hay phi lợi nhuận cũng không thể tồn tại nếu thiếu đi nguồn lực cần thiết để vận hành. Vì vậy mà công việc gây quỹ là một trong những vai trò rất quan trọng giúp bảo đảm sự tồn tại của tổ chức một cách lâu dài để thực hiện sứ mệnh đặt ra.
Nhiều người thường nghĩ, công việc gây quỹ chỉ đơn giản là việc kêu gọi sự ủng hộ từ người khác. Thực tế, công việc gây quỹ còn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa đội ngũ nội bộ tổ chức với những đối tác ủng hộ bên ngoài. Những chương trình mà tổ chức xây dựng không phải ai cũng hoàn toàn hiểu rõ như những người đằng sau chúng, vì thế mà công việc của người gây quỹ phải biết cách chia sẻ và giải thích với những cộng đồng bên ngoài một cách dễ hiểu nhất có thể để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Hãy chuẩn bị cho bản thân kiến thức nền tảng về “Gây quỹ”, chú ý những nguồn lực xung quanh để bạn có thể kêu gọi và mở ra nhiều cơ hội mới cho tổ chức của mình. Bên cạnh đó, công việc gây quỹ không chỉ dừng ở việc kêu gọi đóng góp mà còn đóng vai trò cầu nối truyền thông giữa đội ngũ trong nội bộ và cộng đồng bên ngoài.
ĐIỀU KIỆN VỚI SÁNG LẬP VIÊN CỦA QUỸ TỪ THIỆN
Điều kiện với sáng lập viên của quỹ từ thiện theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 93/2019/NĐ-CP như sau:
– Sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam;
– Đối với công dân: Có đủ năng lực hành vi dân sự và không có án tích;
– Đối với tổ chức:
+ Được thành lập hợp pháp, có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức;
+ Có nghị quyết của tập thể lãnh đạo hoặc quyết định của người đứng đầu có thẩm quyền về việc tham gia thành lập quỹ;
+ Quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ;
+ Trường hợp tổ chức Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì người đại diện tổ chức làm sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân Việt Nam;
– Đóng góp tài sản hợp pháp thành lập quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 93/2019/NĐ-CP:
+ Tài sản đóng góp thành lập quỹ gồm:
++ Tiền đồng Việt Nam;
++ Tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác) của công dân, tổ chức Việt Nam là sáng lập viên, của cá nhân, tổ chức nước ngoài góp với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ.
Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp định giá, thời điểm định giá tài sản không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ;
++ Trường hợp tài sản đóng góp thành lập quỹ bao gồm cả tài sản khác không bao gồm tiền đồng Việt Nam thì số tiền đồng Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản.
+ Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).
+ Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);
++ Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).
+ Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.
– Sáng lập viên thành lập quỹ nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ trước khi gửi hồ sơ về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.
QUY ĐỊNH MỚI VỀ CÁ NHÂN VẬN ĐỘNG TỪ THIỆN
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động
Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện
Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này (hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;…), trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông
Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12/2021.
Khoản 4 Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định thời điểm công khai đóng góp tự nguyện:a) Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;b) Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;c) Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;d) Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
Bạn cũng có thể thích
Gây quỹ nước sạch
19 Tháng Ba, 2024Bao nhiêu tiền quyên góp của tôi sẽ được dùng cho các chương trình?
19 Tháng Ba, 2024Chào tất cả mọi người!
18 Tháng Ba, 2024